Giới thiệu Liên đoàn Cờ Việt Nam

Editor

Updated on:

TÔN CHỈ

Liên đoàn Cờ Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam, không vì mục đích lợi nhuận, tập hợp, đoàn kết, động viên các hội viên và tổ chức thành viên phát triển môn cờ rộng khắp trong toàn quốc.

MỤC ĐÍCH

Liên đoàn Cờ Việt Nam hoạt động nhằm mục đích thu hút ngày càng nhiều người Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp tập luyện, thi đấu, ủng hộ phát triển và nâng cao chất lượng phong trào cờ rộng khắp trong cả nước; góp phần rèn luyện trí não, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức và ý chí tốt đẹp của con người Việt Nam phục vụ cho công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tăng cường hội nhập trao đổi văn hoá, thể thao với các nước và đưa môn cờ phát triển đạt trình độ cao thế giới.

HOẠT ĐỘNG

Liên đoàn Cờ Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ Liên đoàn được Bộ Nội vụ phê duyệt, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Liên đoàn hoạt động.

TRỤ SỞ CHÍNH

Văn Phòng Liên đoàn Cờ Việt Nam
Địa chỉ: 36 Trần Phú, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: +84-4-38232471
Email: office@vietnamchess.com.vn và office@vietnamchess.vn

Logo Liên đoàn cờ Việt Nam
Logo Liên đoàn cờ Việt Nam

LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG

Tiền thân của Liên đoàn Cờ Việt Nam là Hội Cờ tướng Việt Nam được thành lập theo quyết định số 10/NV ngày 09 tháng 01 năm 1965 do ông Lê Đình Thám, Chủ tịch Uỷ ban hòa bình Việt Nam làm Chủ tịch, ông Lê Uy Vệ làm Phó Chủ tịch.

Năm 1978 cờ vua du nhập vào Việt Nam và được Tổng cục Thể dục thể thao chấp thuận cho phát triển rộng rãi. Năm 1980, Bộ Giáo dục cũng cho phép đưa cờ vua vào chương trình ngoại khóa tại các trường phổ thông và một số trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.

Năm 1981, Hội Cờ tướng được thành lập lại do ông Hồ Trúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục làm Chủ tịch và đổi tên thành Hội Cờ Việt Nam theo quyết định số 65/BT ngày 25/1/1981 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các môn thể thao trí tuệ đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

Năm 1992 Hội chuyển thành Liên đoàn Cờ Việt Nam theo quyết định số 514/TCCP ngày 15/8/1992 của Ban Tổ chức Chính phủ. Ông Hữu Thọ, Tổng Biên tập báo Nhân dân làm Chủ tịch.

Năm 1997, Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ III do ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đạo tạo làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Minh Hiển tiếp tục làm Chủ tịch đến hết nhiệm kỳ IV năm 2011. Hiện Ban chấp hành Liên đoàn Cờ Việt Nam đang hoạt trong nhiệm kỳ V 2011-2015 do ông Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch Công ty Phương Trang làm Chủ tịch.

Từ năm 1984, môn Cờ Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức Liên đoàn quốc tế. Năm 1984 tham gia Liên đoàn Cờ vua châu Á; Năm 1988 tham gia Liên đoàn Cờ vua thế giới; Năm 1991 tham gia Liên đoàn Cờ Tướng Châu Á v.v… đến nay Liên đoàn Cờ Việt Nam đã là thành viên chính thức của các tổ chức Liên đoàn quốc tế gồm: Liên đoàn Cờ Vua Thế giới (FIDE), Liên đoàn Cờ Tướng Thế giới (WXF), Liên đoàn Cờ Vây Quốc tế (IGF), Liên đoàn Cờ Vua Châu Á (ACF), Liên đoàn Cờ Tướng Châu Á (AXF), Liên đoàn Cờ Vây Châu Á (AGF), Liên đoàn Cờ Vua Đông Nam Á (ACC).

TỔ CHỨC THI ĐẤU

Tổ chức thi đấu là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động của Liên đoàn. Các Giải chính thức cấp quốc gia sau 30/4/1975 bắt đầu từ năm 1982 của môn Cờ vua; Cớ tướng bắt đầu từ năm 1992 và Cờ vây năm 2002.

Đến nay rất nhiều giải quốc gia hàng năm được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của quốc gia tổ chức như Giải vô địch quốc gia cờ vua, Giải vô địch quốc gia cờ tướng, Giải vô địch quốc gia và giải trẻ cờ vây, Giải trẻ toàn quốc cờ vua với 3 thể loại cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp; Giải trẻ toàn quốc cờ tướng với 2 thể loại cờ tiêu chuẩn, và cờ chớp; Giải cờ vua nhanh và chớp nhoáng; Giải cờ vua đồng đội; Giải cờ tướng đồng đội; Giải cờ vua các đấu thủ mạnh; Giải cờ tướng các đấu thủ mạnh. Một số giải có khá đông kỳ thủ tham dự như Giải cờ vua trẻ, Giải cờ tướng đồng đội, Giải cờ vua nhanh và chớp nhoáng v.v…

Giải quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng năm 1993, Giải vô địch Cờ vua châu Á U16.  Năm 1997 Cờ tướng tổ chức lần đầu tiên tổ chức Giải các kiện tướng Châu Á tại Vũng Tàu.

Từ đó đến nay, rất nhiều giải quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam như: Giải vô địch cờ vua khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào các năm 2003, 2007, 2011; SEA Games 2003; Giải cờ vua các nhóm tuổi Đông nam Á vào các năm 2000, 2004, 2008, 2009, 2012; Giải vô địch Cờ Vua trẻ thế giới 2008; Đại hội các môn thể thao Châu Á trong nhà (ASIAN Indoor games) năm 2009; Các giải cờ vua mở rộng quốc tế hàng năm từ 2008 đến nay, đặc biệt là các giải HDBank 2011-2003; Giải vô địch cờ vua Châu Á năm 2012 v.v…

THI ĐẤU QUỐC TẾ

Năm 1990, đội tuyển Việt Nam được thành lập và chính thức tham dự thi đấu tại Novi-sad, Nam tư, Olympiad 1990. Môn cờ tướng lần đầu tham dự Giải vô địch thế giới năm 1993 tại Bắc kinh, Trung quốc. Trong suốt hơn 20 năm qua, các thế hệ kỳ thủ Việt Nam đã luôn nỗ lực hết mình để có thể vươn lên giành thứ hạng cao tại các đấu trường quốc tế, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia mạnh về Cờ vua và Cờ tướng trong khu vực Châu Á và thế giới. Một số thành tích nổi bật của đội tuyển Việt Nam như: 

Giành thắng lợi tuyệt đối tại SEA Games 23 – Philippines 2005 với 8 huy chương vàng; Vô địch cờ vua đồng đội nữ châu Á 2009; Đến năm 2011 tiếp tục giành thắng lợi tại Sea Games lần thứ 26, Indonesia với tổng số huy chương gồm 6HCV, 2HCB và 2 HCĐ.

Đội tuyển cờ vua Việt Nam giành huy chương vàng đồng đội cờ chớp tại Indoor games – Incheon 2013

– Đội tuyển cờ vua 2 lần đoạt chức vô địch tại Asian Indoor games 2009 và 2013 trước đội Trung quốc;
– Đội cờ tướng Việt Nam liên tục giành huy chương bạc tại các đấu trường châu Á và Thế giới; Năm 2007 Ngô Lan Hương đoạt huy chương vàng môn cờ tướng tại Macau Indoor games lần II;

Năm 2011 Nguyễn Hoàng Lâm và Ngô Lan Hương cùng đoạt chức vô địch cờ tướng châu Á; Ngô Lan Hương tiếp tục bảo vệ thành công chức vô địch này vào năm 2013 tại Úc; 

Nhiều lớp kỳ thủ cờ vua của Việt Nam đoạt chức vô địch cờ vua trẻ thế giới như Đào Thiên Hải, Châu Thị Ngọc Giao, Nguyễn Thị Dung, Hoàng Thanh Trang, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Trần Minh Thắng, Nguyễn Anh Khôi, Nguyễn Lê Cẩm Hiền và Đầu Khương Duy.

Tài năng trẻ Lê Quang Liêm đã có cuộc trình diễn xuất sắc, đoạt huy chương bạc tại Siêu cúp Sparkassen Chess-Meeting, Dortmund 2010 và 2011. Lê Quang Liêm cũng đã làm thế giới cờ vua kinh ngạc khi giành chiến thắng tuyệt đối tại Giải Cờ vua Aeroflot 2010 bằng 5 trận thắng, 4 trận hòa, giành thứ hạng cao nhất của giải. Đến năm 2011 tiếp tục bảo vệ thành công chức vô địch tại giải này. Năm 2013, Lê Quang Liêm đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi đăng quang tại nội dung cờ chớp Giải cờ vô địch thế giới 2013 tại Khanty – Mansiysk (Nga).

Danh sách Ban Chấp hành Liên đoàn Cờ Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023 – 2028)

1. Ông Phạm Văn Tiền; Ban Thường vụ – Chủ tịch
2. Ông Nguyễn Minh Thắng; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch thường trực – Tổng thư ký – Trưởng Ban Chuyên môn
3. Ông Nguyễn Phước Trung; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch – Trưởng Ban đào tạo, Trọng tài, HLV, VĐV
4. Bà Nguyễn Trà Giang; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch – Trưởng Ban Đối ngoại & truyền thông
5. Ông Phùng Nguyên Tường Minh; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch – Trưởng Ban Phong trào & vận động tài trợ
6. Ông Giáp Xuân Định; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch – Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng, kỷ luật
7. Ông Tôn Thất Lương Chính; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch
8. Ông Nguyễn Anh Tuấn; Ban Thường vụ – Phó Chủ tịch
9. Ông Nguyễn Hồng Dương; Ban Thường vụ – Trưởng Ban Kiểm tra
10. Bà Nguyễn Nhị Lương; Ban Thường vụ – Chánh Văn phòng
11. Ông Trương Đức Chiến; Ban Thường vụ – Phó Tổng thư ký
12. Bà Trần Thị Kim Loan; Ban Thường vụ – Phó Tổng thư ký
13. Bà Huỳnh Hoa Minh Nhật; Ban Thường vụ – Phó Tổng thư ký
14. Ông Võ Minh Hoàng; Ủy viên Ban Chấp hành – Phó Tổng thư ký
15. Ông Cao Sang; Ủy viên Ban Chấp hành – Phó Tổng thư ký
16. Ông Phạm Đức Thắng; Ủy viên Ban Chấp hành – Phó Tổng thư ký
17. Ông Lâm Minh Châu; Ủy viên Ban Chấp hành – Phó Ban Kiểm tra
18. Ông Trần Đức Tú; Ủy viên Ban Chấp hành – Ủy viên Ban Kiểm tra
19. Bà Nguyễn Thị Bích Diệp; Ủy viên Ban Chấp hành – Ủy viên Ban Kiểm tra
20. Ông Lê Quang Ánh; Ủy viên Ban Chấp hành
21. Bà Lương Ngọc Bích; Ủy viên Ban Chấp hành
22. Ông Đỗ Khánh Bình; Ủy viên Ban Chấp hành
23. Ông Nguyễn Thành Công; Ủy viên Ban Chấp hành
24. Ông Nguyễn Anh Dũng; Ủy viên Ban Chấp hành
25. Ông Trịnh Văn Đông; Ủy viên Ban Chấp hành
26. Ông Đào Thiên Hải; Ủy viên Ban Chấp hành
27. Ông Nguyễn Trúc Linh; Ủy viên Ban Chấp hành
28. Ông Đỗ Văn Long; Ủy viên Ban Chấp hành
29. Ông Lương Trọng Minh; Ủy viên Ban Chấp hành
30. Ông Võ Thành Ninh; Ủy viên Ban Chấp hành
31. Ông Hoàng Văn Ngọc; Ủy viên Ban Chấp hành
32. Ông Bùi Ngọc; Ủy viên Ban Chấp hành
33. Ông Nguyễn Phú; Ủy viên Ban Chấp hành
34. Ông Nguyễn Phú Quí; Ủy viên Ban Chấp hành
35. Ông Nguyễn Anh Tuấn; Ủy viên Ban Chấp hành
36. Ông Nguyễn Hồng Tuyên; Ủy viên Ban Chấp hành
37. Ông Hoàng Nam Thắng; Ủy viên Ban Chấp hành
38. Ông Trần Văn Trường; Ủy viên Ban Chấp hành
39. Ông Bùi Vinh; Ủy viên Ban Chấp hành